BẠI TƯƠNG THẢO
BẠI TƯƠNG THẢO
Bại tương thảo là cây thuốc có nhiều tác dụng quý như trị mụn đinh nhọt, đau lưng hậu sản, viêm ruột thừa, táo bón, viêm gan vàng da… Bệnh nhân cần sử dụng đúng liều lượng được hướng dẫn dưới đây để tránh gặp phải tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.
Hình ảnh cây bại tương thảo
- Tên gọi khác: Bại tương, khô thán, cây trạch bại, cây lộc trường, khổ chức, mã thảo, kỳ minh, lộc thủ.
- Tên gọi khoa học: Patrinia scaplosaefolia Lamk.
- Họ: Nữ lang – Valerianaceae
Mô tả về cây bại tương thảo
Đặc điểm của cây thuốc
- Thân cây: Bại tương thảo là cây thần thảo, mềm, nhỏ, tuổi thọ trung bình từ 1 – 2 năm. Cây trưởng thành phát triển nhiều cành. Bề mặt thân và cành nhẵn, ruột bên trong rỗng. Chiều cao mỗi cây dao động từ 0,7 – 1,5 mét.
- Lá: Các lá mọc đối xứng dọc theo thân và cành, xẻ dạng lông chim. Màu lá xanh lục, có phiến khép. Riêng các lá mọc dưới gốc có cuống nhỏ hình bẹ, có thể phát triển thêm 2 lá tai gọi là thùy, thường có khuynh hướng mọc chỉa lên trên và hơi ôm vào thân cây. Hai bên mép lá có hình răng cưa, các răng không đều nhau.
- Hoa: Bại tương thảo mọc hoa thành chùm. Cuống hoa đâm ra từ các nách lá hoặc đầu cành, ngọn cây. Cánh hoa nhỏ màu vàng nhạt.
- Quả: Hình trứng, hơi dẹt, bên ngoài quả có nhiều lông bao phủ xung quanh. Một mặt có 3 sóng và bên còn lại có 1 sóng. Vào mùa thu quả bắt đầu già và có khuynh hướng lụi khi đông về.
- Rễ: Hình trụ dài, chỗ to chỗ nhỏ đâm sâu vào lòng đất. Xung quanh phát triển thêm nhiều rễ con.
Khu vực phân bố
Bại tương thảo là cây ưa ánh sáng. Tuy nhiên cây cũng có khả năng hơi chịu bóng và phân bố tập trung ở những vùng có khí hậu ẩm mát. Loại cây này được tìm thấy rất nhiều ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các khu vực sườn đồi hoặc bên vệ đường.
Ở nước ta, cây bại tương thảo phát triển ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… nhưng với số lượng ít. Chính vì vậy không phải ai cũng biết cây này.
Bộ phận sử dụng
Tất cả các bộ phận của cây bại tương thảo đều được y học cổ truyền sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên được dùng nhiều nhất vẫn là rễ cây.
Thu hái – Sơ chế
Rễ được thu hoạch vào tháng 8 là có giá trị dược liệu tốt nhất. Các bộ phận khác có thể thu hái quanh năm. Dược liệu đem về rửa sạch, phân loại từng bộ phận, dùng tươi hoặc phơi khô, bào chế dùng dần.
Bào chế thuốc
Theo Lôi Công Bào chế Dược Tính Luận, rễ già của cây bại tương thảo được đem đồ sôi cùng với một ít lá cam thảo trong 3 tiếng liên tục. Sau đó, loại bỏ lá cam thảo, giữ rễ cây lại đem phơi khô, tích trữ sử dụng lâu dài.
Đặc điểm dược liệu
- Thân khô thẳng, bề mặt thô ráp, đường kính từ 3 – 6mm, chiều dài khoảng 1 đốt ngón tay, vỏ màu vàng nâu. Một số đoạn bị bể rỗng ở giữa, mặt trong màu trắng.
- Lá nhăn nheo nhưng nếu để ý kỹ vẫn thấy sẻ thùy lông chim và có răng cưa hai bên mép lá.
- Rễ màu nâu, chất cứng, cong queo.
Bảo quản
Để dược liệu không bị mốc và tích trữ được lâu cần để nơi thoáng mát. Tốt nhất là cho vào hũ sạch hoặc đóng bịch để không bị nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn.
Vị thuốc bại tương thảo
Tính vị
Bại tương thảo tính hàn nhẹ, vị cay, đắng
Quy kinh
Sách Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển ghi nhận, dược liệu bại tương thảo có khả năng quy vào 3 kinh gồm:
- Kinh Vị
- Kinh Can
- Kinh Đại Trường
Tác dụng dược lý của bại tương thảo
– Trong y học cổ truyền:
+ Theo sách Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển ghi nhận: Sử dụng chiết xuất bại tương thảo có khả năng tiêu độc cho cơ thể, giải nhiệt, trị nóng trong, bài nông, tiêu ứ.
+ Sách Tân hoa bản thảo cương yếu cũng ghi chép lại, cả cành và hoa bại tương thảo kích thích lưu thông máu, chống ứ, bài nùng, thải độc, lợi thấp, làm mát cơ thể, tiêu nhọt.
Chủ trị
- Nóng trong, táo bón
- Mụn đinh nhọt ngoài da
- Mụn nhọt trong ruột
- Viêm ruột thừa cấp
- Ứ huyết, đau bụng sau sinh
- Viêm gan vàng da
- Bí tiểu
- Viêm kết mạc cấp tính…
– Theo nghiên cứu hiện đại:
Chiết xuất từ dược liệu có những tác dụng như sau:
- Xoa dịu trạng thái căng thẳng ở dây thần kinh
- Ức chế co thắt các cơ ở tuyến tiền liệt của nam giới, tăng cường hoạt động tiết dịch của tuyến
Liều lượng – Cách sử dụng
Bại tương thảo thường được dùng làm thuốc sắc uống. Lá có thể sử dụng làm thuốc đắp ngoài da.
- Đường uống: 9 – 30g mỗi ngày
- Dùng ngoài: Không kể liều lượng
Độc tính
Chưa có thông tin nào ghi nhận về độc tính của bại tương thảo. Tuy nhiên, nếu uống quá liều lượng người dùng có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Buồn nôn
- Nhức đầu
- Giảm số lượng tế bào bạch cầu
Bài thuốc chữa bệnh sử dụng bại tương thảo
Bại tương thảo là một phần không thể thiếu trong nhiều thuốc chữa bệnh của y học cổ truyền. Người bệnh có thể sử dụng dược liệu này làm thuốc nếu rơi vào các trường hợp dưới đây.
1. Điều trị đau bụng hậu sản có cảm giác như bị dùi đâm
- Chuẩn bị: 5 lượng bại tương thảo
- Cách sử dụng: Sắc dược liệu với 4 bát nước. Đun lửa nhỏ đến khi thấy nước sắc cô đặc còn khoảng 2 bát thì ngưng. Chia thuốc sắc được làm 3 lần uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
Theo sách Vệ Sinh Giản Dị Phương.
2. Điều trị các vấn đề trong đường ruột: Ruột nổi mụn nhọt, có mủ hoặc bị viêm ruột thừa
Sử dụng bài thuốc Ý Dĩ Phụ Tử Bại Tương Thang
- Chuẩn bị: Bại tương thảo (2 phần), hắc phụ ( 2 phần), cườm thảo (10 phần)
- Cách dùng: Tất cả nghiền kỹ thành bột mịn. Hàng ngày lấy 1 muỗng canh bột thuốc sắc với 2 bát nước cho cạn còn 1 bát. Gạn ra uống hết 1 lần. Khi đi tiêu ra được thì bệnh sẽ bớt.
Theo sách Kim Qũy Yếu Lược
3. Điều trị sung huyết kết mạc, viêm kết mạc cấp tính gây sưng đau
- Chuẩn bị thang thuốc gồm: 60g rễ cây bại tương thảo, 60g diếp trời, 15g nhẫn đông hoa
- Cách sử dụng: Sắc thuốc cùng 4 bát nước lấy 2 bát. Uống 3 lần trong ngày cho hết.
Theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược.
4. Điều trị ứ huyết, căng đau vùng bụng dưới ở phụ nữ sau sinh
- Chuẩn bị: 60g rễ cây bại tương thảo
- Cách dùng thuốc: Sắc lấy nước đặc chia uống 3 lần
Theo sách Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược
5. Điều trị bệnh lở loét, có cảm giác ngứa ngáy quanh lưng
- Chuẩn bị: Bại tương thảo
- Cách sử dụng: Dược liệu đem sắc kỹ lấy nước rửa bên ngoài khu vực bị tổn thương
Theo sách Dương Thị Sản Nhũ Phương
6. Điều trị chứng đau lưng cho phụ nữ trong thời kỳ hậu sản
- Chuẩn bị các thành phần gồm: Bại tương thảo (8 phân), vân quy (8 phân), giả mạc gia (6 phân), thược dược (6 phân), quế tâm (tức phần vỏ quế khô đã được cạo sạch lớp biểu bì, 6 phân).
- Cách sử dụng: Sắc thuốc với 2 chén nước cho cạn còn 1 chén. Gạn ra chờ thuốc nguội chia làm 2 lần uống. Trong quá trình điều trị cần kiêng ăn hành.
Theo sách Quảng Tế Phương
7. Điều trị bệnh viêm ruột thừa cấp ( chưa có mủ), táo bón, khó đi ngoài
- Chuẩn bị thang thuốc: Bại tương thảo 40g, diếp trời (bồ công anh) 40g, cỏ tím 40g, hạt bí đao (Đông qua nhân ) 40g, hạt đào 9g
- Cách sử dụng: Mỗi ngày sắc 1 thang chia làm 2 – 3 lần uống.
Theo sách Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách
8. Điều trị bí tiểu, bệnh viêm gan vàng da cấp tính, tiêu thũng
- Chuẩn bị: 30g bại tương thảo, 15g hạt dành dành, 30g khoản cân thảo, 30g thổ nhân trần.
- Cách sử dụng: Sắc các dược liệu trên chung với nhau lấy nước đặc. Pha thêm một ít đường cát trắng vào cho dễ uống.
Theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược
9. Chữa ho, trong phổi có đờm mủ
- Chuẩn bị: 1 cân bại tương thảo, 2 cân diếp cá, 1 cân lô căn, 1 cân đại hoàng đằng, 1/2 cân cát cánh.
- Cách sử dụng: Cho hết dược liệu vào ấm, thêm 500ml nước vào sắc kỹ lấy nước chia uống 3 lần cho hết trong ngày.
Theo sách Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách
10. Bài thuốc chữa sản hậu xuống huyết kéo dài đến cả tuần chưa cầm
- Thành phần: Bại tương thảo (6 phân), vân quy (6 phân), sâm nam (8 phân), thược dược (8 phân), hương thảo (4 phân), trúc nhự (4 phân), thục địa (12 phân).
- Cách dùng: Các vị thuốc đã chuẩn bị đem rửa qua nước cho sạch bụi bẩn. Cho thuốc vào ấm, đổ 3 bát nước sắc còn 2 bát. Gạn ra chia làm 2 – 3 lần uống khi bụng đang đói.
Lưu ý khi dùng bại tương thảo
– Không dùng bại tương thảo cho các trường hợp sau:
- Bệnh nhân không có ứ trệ
- Thực nhiệt
- Người bị dị ứng với thành phần của dược liệu
– Sử dụng đúng liều lượng được hướng dẫn
– Trường hợp dùng bại tương thảo chữa bệnh trong thời gian dài cần có sự đồng ý của thầy thuốc
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.