LÔI HOÀN
LÔI HOÀN
Omphalia tapidescens Schroeters.
Xuất xứ: Bản Kinh.
Tên khác: Lôi thỉ (Phạm Tử Kế nhiên), Lôi đầu (Phổ Tế Bản Thảo), Lôi thực (Ngô Phổ Bản Thảo), Bạch lôi hoàn (Y Học Tâm Ngộ), Trúc linh chi (Trung Dược Chí), Mộc liên tử (Quảng Tây Trung Dược Chí), Trúc thỉ, Lôi công hoàn (Tân Hoa Bản Thảo Cương Yếu).
Tên khoa học: Omphalia tapidescens Schroeters.
Họ khoa học: Họ Nấm Lỗ (Polyporaceae).
Mô tả: Lôi hoàn là một loại nấm sống gửi ở dưới gốc tre, lâu ngày hoá thành cục (cọ thử vào ngón tay cái hoặc ngón chân cái), vỏ ngoài sắc đen hoặc hơi đen nâu, ở trong sắc trắng, thịt cứng là thứ tốt, cắn vào răng thấy hơi có nước dính, ngậm lâu tan hết, có loại ở trong sắc tím đen, độc không dùng được.
Địa lý: Mọc hoang, chủ yếu sản xuất ở Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây. Việt Nam còn phải nhập vào.
Bộ phận dùng: Toàn cục.
Thu hoạch: Quanh năm nhưng mùa Thu nhiều hơn. chọn những cây Trúc có bệnh, cành lá khô vàng, đào lấy nấm ở vùng rễ, đem về, rửa sạch, phơi khô.
Cách bào chế:
. Theo Trung Y: Lôi hoàn nấu với Cam thảo 1 đêm, lấy dao đồng cạo bỏ vỏ đen, chẻ ra làm 4 đến 5 miếng, lại tẩm nước cam thảo một đêm nữa, mang ra đồ 2 giờ rồi đem phơi khô. Sau đó tẩm rượu rồi đem phơi khô dùng (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
. Ngâm nước cho mềm đều rồi thái phiến, phơi khô dùng hoặc tán thành bột dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
. Theo kinh nghiệm Việt Nam: Chà rửa cho sạch đất cát, ủ mềm cho đến khi thái được, thái mỏng phơi khô dùng hoặc tán bột dùng.
Bảo quản: Để chỗ khô ráo.
Tác dụng dược lý:
. Tác dụng diệt sán: Đem đốt sán bị bài tiết ra một cách tự nhiên, lúc chưa dùng thuốc, đặt trong ducng dịch chiết Lôi hoàn 5-30%, ở nhiệt độ 37oC. Các đốt sán đều chết, nhanh thì sau 2g40 phút, chậm thì sau 9 giờ. Tuy nhiên nếu đặt trong nước muối sinh lý thì có thể sống kéo dài 40-62 giờ. Để trong nước cất cũng có thể sống 24-30 giờ. Lôi hoàn có tác dụng đối với sán móc, sán không móc, sán chó. Đem cơ thể sán bài tiết ra ngoài sau khi uống Lôi hoàn, cho vào môi trường nước muối sinh lý hơi ấm thì hầu như không hoạt động, những đốt sán nhỏ bị phá huỷ một cách rõ. Như vậy, tác dụng diệt sán không phải là làm tê liệt cơ thể của sán mà là do chất men Albumin trong Lôi hoàn làm cho đốt sán bị phá hoại (Trung Quốc Y Học Khoa Học Viện Dược Vật Nghiên Cứu Sở – Trung Dược Chí (Q 3), Bắc Kinh Vệ Sinh xuất bản 1961 : 604).
Tính vị:
. Vị ngọt, đắng, tính hàn (Bản Kinh).
. Vị mặn, hơi hàn, có ít độc (Biệt Lục).
. Vị đắng, lạnh, có ít độc (Trung Dược Đại Từ Điển).
. Vị đắng, tính hàn (Trung Dược Học).
Quy kinh:
. Vào kinh thủ và túc Dương minh (Bản Thảo Vựng Ngôn).
. Vào kinh Phế, Tỳ, Vị (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
. Vào hai kinh Tỳ, và Đại trường (Trung Dược Học).
Tác dụng:
. Sát trùng, tiêu cam (Trung Dược Học).
. Tiêu tích, khu trùng, thanh hiệt, giải độc. Trị trùng tích gây bụng đau, trẻ nhỏ bị cam tích, trong Vị có nhiệt (Thiểm Tây Trung Dược Chí).
Chủ trị: Trừ sên lãi, cam tích trẻ em.
Giun móc và giun đũa: Dùng phối hợp Lôi hoàn với Tân lang và Khổ luyện bì.
Liều dùng: Ngày dùng 3 – 6g.
Ngâm nước vo gạo 24 giờ, lấy ra trộn với trấu chà cho sạch đất cát, bổ đôi ba, sấy khô, tán nhỏ để uống với thuốc chín hoặc hoàn tán.
Kiêng kỵ:
+ Uống lâu ngày sẽ sinh ra chứng âm nuy, loại đỏ uống vào gây chết người (Biệt Lục).
+ Ghét vị Cát căn. Khiếm thực, Hậu phác dùng làm sứ cho nó (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
+ Bệnh trùng tích lâu ngày, Tỳ Vị hư yếu: không dùng (Bản Thảo Vựng Ngôn).
+ Uống lâu ngày, cả nam lẫn nữ đều bị tổn thương phần âm (Y Học Nhập Môn).
+ Nếu không phải bệnh trùng tích, phần nhiều không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
QUÝ KHÁCH MUA HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ
Thuốc Bắc Sài Thành
- Địa chỉ 1: 202/14 Hải Thượng Lãn Ông, P.14, Quận 5, TP. HCM
- Địa chỉ 2: 400 Trần Hưng Đạo, P.11, Quận 5, TP. HCM
- Hotline: 0939 714 275
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.