MÃ ĐÂU LINH
Tên tiếng Việt: Cây khố rách, Viên diệp mã đâu linh, Đại diệp mã đâu linh
Tên khoa học: Aristolochia kwangsiensis Chun et How
Họ: Mộc hương (Aristolochiaceae)
Công dụng: Rễ mã đâu linh được dùng chữa đau bụng, đầy bụng, đau dạ dày, khó tiêu, nôn mửa, ngộ độc thức ăn. Dùng ngoài chữa vết thương, nhọt độc.
1. Mô Tả
- Dây leo, dài 5 – 6 m. Rễ củ to. Thân và cành non có lông, cành già có vỏ nứt nẻ thành rãnh sâu theo chiều dọc. Lá to, hình tim tròn, dài 20 – 30 cm, rộng 18-28 cm, đầu tù, mép nguyên có lông dạng mi, lá non có lông màu vàng nâu ở cả hai mặt, lá già chỉ có lông ở mặt dưới, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới trắng nhạt, gân hình mạng nổi rất rõ; cuống lá dài 6 – 15cm.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá, có 1 – 2 hoa; bao hoa gồm một ống đài 6-7,5 cm, màu lục nhạt, cong lên, các thùy hình tam giác, màu tím hồng, có gai lồi ở mặt trên màu hồng sẫm, họng màu vàng; nhị 6; bầu 6 ô.
- Quả hình trụ tròn, dài 8 – 10 cm, có 6 cạnh lồi màu nâu vàng, gốc và đầu thuôn nhọn; hạt hình trứng, màu nâu.
- Mùa hoa: tháng 5-7; mùa quả : tháng 9-11.
2. Phân bố, sinh thái
- Chi Aristolochia L. có khoảng 300 loài, phân bố Chủ yếu ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là vùng nhiệt đới Trung và Nam Mỹ. Chỉ có một số ít loài phân bố ở vùng á nhiệt đới và ôn đới ấm. Ở Malaysia, có 28 loài, Trung Quốc khoảng 20 loài, Việt Nam hơn 10 loài. Loài mã đâu linh phân bố rất hẹp, chỉ bao gồm tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và một vài tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam như Lạng Sơn (huyện Đồng Đăng); Cao Bằng (huyện Thạch An) và Hà Giang (huyện Mèo Vạc).
- Mã đâu linh là cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng; mọc rải rác ở ven rừng núi đá vôi, gần bờ suối, nơi còn cây gỗ mọc thưa; độ cao từ 700 đến 1600 m. Quá trình sinh trưởng, phát triển của mã đâu linh (cũng như một số loài khác cùng chi) có liên quan đến một số loài bướm phượng (thuộc họ Papilionidae). Khi còn ở dạng ấu trùng – sâu róm, loài bọ này thưởng hút nhựa ở ngọn và lá non để tạo nên những chất độc, chống lại các loài vật ăn thịt. Mặt khác, cũng chính những con sâu róm này là nguyên nhân gây nên sự rụng lá non và héo ngọn của các loài mã đâu linh (R.Kew, 1999, Aristolochia L; in L.s. de Padua et al, PROSEA No12(l) Medicinal and Poisonous Plants, 133-139pp).
- Mã đâu linh ra hoa quả hàng năm; trong một cụm, hoa nở không đều và thụ phấn nhờ côn trùng. Khi quả già, tự mở thành 6 mảnh dọc; hạt mảnh, được phát tán nhờ gió. Mã đâu linh có khả năng tái sinh chồi khỏe sau khi bị chặt đốn. Có thể trồng được bằng đoạn thân bánh tẻ hay bằng gốc. Mã đâu linh là loài cây thuốc đặc biệt quý hiếm ở Việt Nam.
- Từ những năm 70 số cá thể được phát hiện ở các điểm phân bố kể trên rất ít. Cần có kế hoạch khảo sát lại, thu thập cây con và hạt giống để nghiên cứu trồng và bảo tồn chu đáo hơn.
3. Thành phần hóa học
- Trong nhiều loài Aristolochia có chứa acid arislocholic và aristolansesquiterpen (1(10) asistolen-12 al. 1 (10) aristolen 13 al, các glucoid aristolochic acid lll – a – 6 – O – β – D – glucosid: alantoin, acid debilic và magnoflorin (CA. 111. 1989. 58074 d, CA. 122, 1995. 286663 c.; CA. 119, 1993. 146717 m).
- Chất ức chế testosteron 5α reductase từ Aristolochia được dùng làm chất kích thích sự mọc tóc và chữa bệnh tiền liệt tuyến (Imamura Kojii, Okajima Takako, CA 123, 1995, 279767g).
4. Bộ phận dùng
Rễ, thu hái vào mùa thu, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
5. Tác dụng dược lý
- Acid aristolochic 1: Thí nghiệm trên ống kính với nồng độ 50 – 200 ng/ml acid aristolochic I có tác dụng ức chế một số vi khuẩn gram dương như Bacillus, Diplococcus, Mycobacterium sarcIna, Staphylococcus và Streptococcus; với nồng độ lớn hơn > 200 µg/ml, thuốc ức chế cả một số vi khuẩn gram âm và nấm gây bệnh. Trên chuột nhắt trắng đã được gây nhiễm DipLococcus pneumoniae, Streptococcus aureus và Staphylococcus pyogenic, acid aristolochic I tiêm xoang bụng với liều 50 mg/kg có tác dụng bảo vệ súc vật khỏi tử vong.
- Thuốc còn có tác dụng kích thích hoạt động thực bào của các đại thực bào (macrophage) ở xoang bụng chuột thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của acid aristolochic còn chưa thống nhất, có khi trái ngược nhau, có tác giả cho rằng thuốc có tác dụng ức chế một số sarcom thực nghiệm, tác giả khác lại nêu thuốc có tác dụng gây carcinom và gây đột biến.
- Magnoforin: Có tác dụng hạ huyết áp trên thỏ thuốc gây hạ huyết áp và hạ thân nhiệt rõ rệt. Trên mèo gây mê magnofIorin tiêm tĩnh mạch với liều 2 mg/kg gây hạ huyết áp ngay tức khắc với mức độ có ý nghĩa thống kê. Trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm tĩnh mạch, magnofIorin có LD50 = 20 mg/kg.
6. Tính vị, công năng
Mã đâu linh có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ thống, lương huyết, chỉ huyết.
7. Công dụng
- Rễ mã đâu linh được dùng chữa đau bụng, đầy bụng, đau dạ dày, khó tiêu, nôn mửa, ngộ độc thức ăn. Dùng ngoài chữa vết thương, nhọt độc.
- Liều uống. Ngày 2 – 6g dưới dạng nước sắc, hoặc thuốc bột, thuốc viên. Dùng ngoài, rễ tươi giã nát đắp hoặc rễ khô tán bột, rắc tại chỗ. Ở Trung Quốc, mã đâu linh được dùng chữa viêm loét dạ dày cấp tính, viêm họng vói liều 1,5 – 3,0g bột uống với nước đun sôi để nguội.
8. Bài thuốc có mã đâu linh
Chữa đau bụng, đầy bụng, tiêu hóa kém:
- Mã đâu linh 40g, vỏ vối rừng 40g, hoắc hương 20g, trần bì 10g, thảo quả 10g, hạt cau rừng 10g. Tất cả tán thành bột mịn, luyện hồ làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 40 – 60 viên với nước ấm, chia làm 2 lần. Trẻ em tùy tuổi uống giảm liều.
- Mã đâu linh 10g, ích trí nhân 10g, tiểu hồi 6g, trần bì 6g, gừng khô 6g, ô mai 6g. sắc với 400 ml nước còn 100 ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.